Ý nghĩa tên gọi Nhật Nam Nhật_Nam

Theo một số nghiên cứu, tên gọi Nhật Nam ban đầu chỉ là một khái niệm.

Nhật Nam nghĩa là phía nam mặt trời. Sử ký viết: …南至北鄉戶[8] ("Nam chí bắc hương [hướng] hộ"). Tạm dịch: "...phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc". Sử ký tập giải (史記集解) của Bùi Nhân (裴駰)[9] thời Lưu Tống dẫn Ngô đô phú[10] của Tả Tư (左思, ~250 - ~305) viết: 開北戶以向日 ("Khai bắc hộ dĩ hướng nhật", nghĩa là Mở cửa hướng bắc để đón ánh mặt trời). Lưu Quỳ (刘逵) thời Tống Huy Tông giải nghĩa: 日南之北户,犹日北之南户也 ("Nhật nam chi bắc hộ, do nhật bắc chi nam hộ dã" nghĩa là phía nam mặt trời thì làm cửa quay mặt về hướng bắc, cũng như phía bắc mặt trời thì cửa nhà quay mặt về hướng nam vậy).

Cũng như từ Giao Chỉ, Nhật Nam ban đầu chỉ là khái niệm và có liên quan đến thiên văn. Phần lớn đất nước Trung Quốc ở trên Bắc Chí Tuyến (vĩ độ 23 độ 27 phút, ngang qua thành phố Quảng Châu), do đó Mặt Trời với họ luôn ở về phía nam, mọc phương đông nam và lặn phương tây nam. Rõ nhất trong ngày Đông chí đêm dài ngày ngắn, Mặt Trời lẩn quẩn hẳn về phía nam. Vì vậy khi tế trời (cúng Mặt Trời) thiên tử - con trời - phải quay mặt về phương nam. Có lẽ muộn nhất là thời nhà Tần, người Trung Quốc đã biết Trái Đất hình tròn và tự quay quanh trục của nó. Họ tính được quỹ đạo của Mặt Trời (hoàng đạo) và suy luận rằng đi về phía nam đến một nơi nào đó, muốn nhìn thấy Mặt Trời, muốn hưởng sự ấm áp của ánh nắng, con người phải làm nhà quay mặt về hướng bắc.

Tư Mã Thiên viết câu trên chứng tỏ ngành thiên văn biết vậy nhưng sự thực người Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân đến vùng Nhật Nam. Quan điểm này dựa vào kiến thức thiên văn hạn chế của người Trung Quốc cách đây 21 thế kỷ. "Vùng nhà cửa quay mặt về hướng bắc" theo logic Sử Ký, trên cơ sở thiên văn hiện đại, phải ở nằm dưới vĩ độ 23 độ 27 phút Nam (đi qua thành phố Rockhamton tại bang Queensland của Úc)[11]